Trần Văn Trạch
Trần Văn Trạch là con trai thứ trong 3 người con của ông
Trần Quang Triều. Ông có người anh là Trần Văn Khê và em gái út là Trần Ngọc
Sương.
Thuở nhỏ, Trần Văn Trạch theo học chữ ở Collège de Mỹ Tho
(trường trung học Mỹ Tho) cho tới năm 18 tuổi (1942) thì rời ghế nhà
trường.
Ngay từ lúc nhỏ ông đã có năng khiếu về âm nhạc. Do vậy,
ông sử dụng khá thành thạo đàn kìm và đàn tỳ bà. Tuy biết nhiều về cổ nhạc và có
giọng hát ấm, nhưng ông lại thích tân nhạc hơn. Vì vậy, ông học đàn mandoline
với anh là Trần Văn Khê và học đàn violon với Nguyễn Mỹ Ca, người anh cô cậu, và
biết chơi thành thạo những bài nhạc Pháp thịnh hành thuở đó.Ngoài niềm đam mê về
âm nhạc, ông Trạch cũng thích việc kinh doanh, nên có thời gian ông lập ra lò
làm chén ở Vĩnh Kim. Nhưng sau một vài năm làm ăn không khá, ông bỏ nghề lên Sài
Gòn kiếm sống
Năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Pháp trở
lại Việt Nam, những phòng trà được phép mở cửa trở lại. Bắng tài năng của mình,
buổi đầu Trần Văn Trạch xin vào làm hoạt náo và hát tại dancing Théophile ở vùng
Dakao. Sau khi có được một số vốn, ông xin mở một phòng trà nhỏ ở đường
Lagrandière .
Khoảng năm 1946-1947, Trần Văn Trạch về Sài Gòn, cùng em
gái là Trần Ngọc Sương mở quán nước tại khu Bàn Cờ (nay thuộc quận 3, TP. HCM)
Nhằm câu khách, đôi khi ông Trạch hát những bài nhạc Pháp cho lính Pháp nghe,
nên ông được bạn bè đặt cho anh một cái tên rất "Tây" là Tracco.
Trong thời gian đi theo Ban nhạc quân đội, Trần Văn Trạch
có quen nhạc sĩ Lê Thương (1914-1996). Phát hiện được khả năng hài tiềm ẩn trong
con người ông Trạch, nên lần đầu tiên Lê Thương viết thử nghiệm một bài ca hài
cho ông trình diễn. Ðó là bài Hòa bình 48 (1948) hát nhái tiếng đại bác, tiếng
máy bay ném bom...
Ngoài nghiệp ca và sáng tác, Trần Văn Trạch còn đảm ban
nhạc Sầm Giang trên đài phát thanh Pháp Á từ năm 1950 tới năm 1954.
Ban Sầm Giang quy tụ một số nhạc sĩ có tên tuổi như cố
nhạc sĩ Võ Đức Thu, Kháng Băng, Nghiêm Phú Phi, các ca sĩ có tiếng thời 1950,
như: Ngọc Sương, Ngọc Hà, Tôn Thất Niệm, Linh Sơn, Mạnh Phát, Minh Diệu, Túy
Hoa, Tâm Vấn... Đến năm 1953, có thêm những bộ mặt mới như nữ kịch sĩ Bích
Thuận, Duy Trác, Tùng Lâm, ban Thăng Long và bé Bạch Yến.
Trần Văn Trạch cũng đã cộng tác với nền điện ảnh Việt Nam
ở trong giai đoạn phôi thai. Năm 1955, cộng tác với hãng phim Mỹ Phương bên
Pháp, sản xuất được hai cuốn phim là Lòng nhân đạo (1955) và phim Giọt máu rơi
(1956). Cả hai phim này ông đều đóng chung với nghệ sĩ Kim Cương.
Sau khi rời hãng phim trên, Trần Văn Trạch cộng tác với
người Hoa ở Chợ Lớn để lập hãng phim Việt Thanh, và tự làm đạo diễn cho hai cuốn
phim về truyện cổ tích Việt Nam, đó là phim Thoại Khanh Châu Tuấn (1956, với Kim
Cương và Vân Hùng) và Trương Chi Mỵ Nương (1956, đóng chung Trang Thiên Kim - La
Thoại Tân).
Năm 1957, lâm bệnh nặng suốt cả năm nên ông phải từ giã
nghề điện ảnh.
Năm 1960, Trần Văn Trạch sang Paris (Pháp) và thường
xuyên hát tại nhà hàng La Table du Mandarin, Paris, quận 1.
Lưu diễn khoảng sáu tháng, năm 1961, ông trở về Sài Gòn
với một tiết mục mới là trò múa rối học được ở Pháp, hát thành công bản Chiều
mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông theo kiểu sound track (phần nhạc do
ban nhạc của Pháp thu sẵn trên băng nhựa).
Năm 1965 đến đầu năm 1975, Trần Văn Trạch là "ông bầu",
chuyên tổ chức những chương trình nhạc trẻ phục vụ trong những night clubs dành
cho lính Mỹ. Trong khoảng thời gian trên, ông có sáng tác một vài bản nhạc,
nhưng không được thành công, như bài Highway 19 đặt theo điệu Long Hổ Hội, nhạc
cổ nhưng lời bằng tiếng Anh và theo nhịp swing.
Tháng 12 năm 1977, Trần Văn Trạch rời Sài Gòn sang định
cư ở Paris (Pháp). Từ đó trở đi cho tới ngày từ trần, Trần Văn Trạch, từng nổi
tiếng là quái kiệt, gần như tạm dừng công việc nghệ thuật, xoay ra làm nghề khác
để kiếm sống.
Ở hải ngoại, ông không chỉ sáng tác được một vài bài. Về
sinh hoạt văn nghệ, ông cũng chỉ có bốn cuốn băng là Hài hước Trần Văn Trạch
(Thúy Nga, Paris, 1982) Con đường hạnh phúc (Thanh Lan, 1983), và Allô Paris
(Giáng Ngọc, Paris 1986). Về phía phim video, ông cũng có làm một cuốn kỷ niệm
Hài hước Trần Văn Trạch (quận Cam, California, Hoa kỳ, 1983) và trong cuốn Thi
ca nhạc kịch Việt Nam (Hà Phong thực hiện, Paris, 1984)
Ngoài ra ông cũng có đi diễn cho cộng đồng người Việt ở
Hoa Kỳ năm 1983 và 1986, ở Úc châu năm 1984... Trong những năm cuối cùng của
cuộc đời, Trần Văn Trạch thường đi sang Hoa kỳ làm nghề quảng cáo trên đài
Truyền hình Việt Nam ở Quận Cam.
Tháng 2 năm 1994, do bị ung thư gan, ông trở về Paris và
nằm chữa bệnh tại bệnh viên Thenon ở Paris. Trần Văn Trạch mất ngày 12 tháng 4
năm 1994, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Cimetière
intercommunal ở Valenton, ngoại ô Paris của Pháp
Leave a Comment